Quảng cáo
qcqc5qc6
slide1Slide3slide2
Nha chu

Bệnh nha chu và bệnh toàn thân: mối tương quan

Bệnh nha chu và bệnh toàn thân: mối tương quan
Năm 2001, sách Guinness về các kỷ lục thế giới đã ghi nhận bệnh nha chu (bao gồm viêm nướu và nha chu viêm) như là những bệnh phổ biến nhất ảnh hưởng đến con người. Nha chu viêm đặc trưng bởi sự phá hủy cấu trúc nâng đỡ răng và xương ổ răng do vi khuẩn

Bệnh nha chu

Năm 2001, sách Guinness về các kỷ lục thế giới đã ghi nhận bệnh nha chu (bao gồm viêm nướu và nha chu viêm) như là những bệnh phổ biến nhất ảnh hưởng đến con người. Nha chu viêm đặc trưng bởi sự phá hủy cấu trúc nâng đỡ răng và xương ổ răng do vi khuẩn. Bệnh nha chu là một dạng bệnh phức tạp ở người, với một số yếu tố tham gia như là vi khuẩn, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá và do bẩm sinh di truyền. Nha chu viêm là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng ở người trưởng thành trên toàn thế giới. Tuy nhiên những hậu quả bất lợi của bệnh nha chu có thể vượt quá xoang miệng để ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của mỗi cá nhân.

Có khoảng 6 tỷ vi khuẩn cư trú trong xoang miệng. Những vi khuẩn này hiện diện dưới dạng màng sinh học, có lợi trong điều kiện bình thường. Đây là một cộng đồng sinh thái phát triển để tồn tại và cho phép sự tăng trưởng của nhiều loại khác nhau, làm tăng cao tính độc hại cũng như làm tăng một cách rõ rệt sức đề kháng đối với các tác nhân kháng khuẩn và hệ miễn dịch chủ. Màng sinh học gắn kết vào bề mặt răng và đường viền biểu mô của túi nha chu, gây viêm nhiễm nhẹ và kéo dài, cuối cùng là một gánh nặng nhiễm khuẩn toàn thân.

 

Mối liên quan giữa miệng và toàn thân

Quan điểm cho rằng nhiễm khuẩn nha chu có ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân đã có từ những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay ngày càng có nhiều chứng cứ ủng hộ mối liên quan này. Năm 2000, báo cáo của Hoa Kỳ về sức khỏe răng miệng đã nhấn mạnh tính tự nhiên của sự tương tác qua lại trực tiếp giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân. Nhiễm khuẩn nha chu được cho là yếu tố “nguy cơ tiềm ẩn” đối với nhiều bệnh hệ thống gồm có bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh phổi và những hậu quả bất  lợi cho thai kỳ.

 

Những mối quan hệ tiềm tàng

Một vài giả thuyết đã được đặt ra về mối liên hệ tiềm tàng giữa nhiễm khuẩn nha chu và các bệnh hệ thống. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh nha chu không được kiểm soát, một số lượng lớn vi khuẩn và các sản phẩm của vi khuẩn như nội độc tố, và chất trung gian gây viêm tại chỗ và các cytokin có thể xâm nhập vào dòng máu một cách trực tiếp và sau đó có thể ảnh hưởng đến bộ phận khác của cơ thể. Chứng cứ mới cũng cho thấy chứng xơ vữa động mạch và nha chu viêm có thể có cùng một gen làm cho dễ mắc bệnh.

Một giả thuyết đã được chấp nhận rộng rãi là nhiễm và viêm nha chu có thể liên quan đến sự phát triển và sự tiến triển của nhiều bệnh hệ thống. Béo phì là một yếu tố nguy cơ chung cho bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh nha chu. Người ta cho rằng các cytokin được tế bào mỡ tiết ra trong quá trình viêm có thể là những phân tử kết nối sinh bệnh học của hai bệnh này.

“Nhiễm khuẩn và viêm nha chu có thể liên quan đến sự phát triển và tiến triển của nhiều bệnh hệ thống”.

 Bệnh nha chu và bệnh tim mạch

Những yếu tố nguy cơ truyền thống như tuổi tác, cao huyết áp, béo phì, rối loạn lipid huyết và hút thuốc lá chưa giải thích được những biến thiên về xuất độ và độ trầm trọng của bệnh tim mạch. Còn có những yếu tố nguy cơ chưa được phát hiện như nhiễm khuẩn và viêm mãn tính. Thật vậy, nhiễm khuẩn và viêm có liên quan đến sự hình thành của mảng xơ vữa động mạch. Bệnh nha chu là một trong những nhiễm khuẩn tại chỗ thường gặp nhất của cơ thể, góp phần vào sự viêm nhiễm hệ thống và do đó làm tăng nguy cơ của những bệnh tim mạch. Một vài nghiên cứu dọc đã cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa bệnh nha chu và bệnh tim mạch.

Đặc biệt hơn, nha chu viêm có liên quan đến một vài thông số đo đạc sự hình thành mảng xơ vữa và tình trạng bệnh tim mạch ở giai đoạn trước khi cho triệu chứng lâm sàng:

- Bề dày của màng nội mạch gia tăng

- Tổn thương xơ vữa động mạch cảnh sớm

- Chất chỉ thị sinh học của viêm hệ thống, như protein C-reactive (CRP) và

interleukin 6 ( I1-6) tăng cao

- Loạn năng nội mạch và sự hiện diện của những vi khuẩn bệnh nha chu trong các mảng bám xơ vữa và tế bào nội mạch.

Mất răng, một marker của bệnh nha chu, có liên quan đến tần suất cao hơn của mảng xơ vữa động mạch cảnh, có khả năng dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Một nghiên cứu cho thấy bệnh nha chu là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh thiếu máu não.

Một nghiên cứu khác đã so sánh vi khuẩn bệnh nha chu ở bệnh nhân bị bệnh mạch vành và nhóm chứng cho thấy sự hiện diện của bệnh mạch vành đã làm tăng nguy cơ có nhiều vi khuẩn trong miệng hơn.

Những marker điều trị của bệnh toàn thân được cải thiện sau điều trị nha chu. Kiểm soát nhiễm khuẩn nha chu làm giảm mức huyết thanh của CRP và  I1-6, LDL cholesterol và cải thiện chức năng nội mô của những bệnh nhân bị nha chu viêm trầm trọng. Do đó, chăm sóc nha chu thường xuyên do chuyên khoa và giữ vệ sinh răng miệng hiệu quả mỗi ngày có thể có lợi để làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Bệnh nha chu và bệnh tiểu đường

Bệnh nha chu được ghi nhận như là biến chứng thứ sáu của bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường và bệnh nha chu có một mối quan hệ tương hỗ. Một tổng quan y văn đã nêu ra rằng bệnh tiểu đường làm tăng tần suất, mức độ trầm trọng và sự tiến triển của bệnh nha chu, trong khi đó nhiễm khuẩn nha chu có thể ảnh hưởng bất lợi đến sự kiểm soát đường huyết và tỉ lệ các biến chứng của bệnh tiểu đường. Bệnh này tác động bất lợi đến bệnh kia, nhiễm khuẩn nha chu làm tăng tình trạng viêm toàn thân, có ảnh hưởng đến sự kháng insulin, có khả năng dẫn đến sự kiểm soát kém đường huyết làm bệnh viêm nha chu càng nặng hơn.

Một nghiên cứu trong dân số đã cho thấy tỉ lệ mắc bệnh nha chu là 60% ở những người bị tiểu đường típ 2 so với 36% ở nhóm chứng không bị bệnh tiểu đường. Tỉ lệ mắc bệnh nha chu tăng gấp 2,6 lần ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Sự mất mô nha chu cũng nhiều hơn ở những bệnh nhân bị tiểu đường. Một nghiên cứu khác về sự thay đổi nha chu ở trẻ em và thanh niên bị bệnh tiểu đường, cho thấy có sự gia tăng mảng bám và viêm nướu cũng như số răng bị mất bám dính.

Điều tra khám sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia đầu tiên (NHANES I) và nghiên cứu dịch tễ sau đó đã kết luận rằng bệnh nha chu lúc ban đầu là một dự báo trước cho bệnh tiểu đường típ 2. Sự mất răng nhiều có liên quan đến sự tăng 70% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu tiến cứu cho thấy nha chu viêm có liên quan đến sự phát triển của bệnh thận do tiểu đường.

Những chứng cứ về mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng và bệnh tiểu đường có từ vài cuộc thử nghiệm can thiệp đã cho thấy sự cải thiện trong việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường típ 2 khi được điều trị nha chu.

Nhiều dữ liệu lâm sàng ủng hộ mối liên quan giữa bệnh nha chu và ảnh hưởng xấu trên bệnh toàn thân, nhưng vẫn chưa xác định được một mối quan hệ nhân quả. Cần có những thử nghiệm can thiệp dọc có nhóm chứng có sức thuyết phục để xác nhận rõ ràng những phát hiện hiện tại và xác định cơ chế tiềm tàng làm thế nào nhiễm khuẩn nha chu có thể ảnh hưởng lên những bệnh toàn thân.

Ý nghĩa lâm sàng

Với ý thức nhiều hơn về mối quan hệ tương hổ giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân, cần phải nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe răng miệng tốt. Cần thiết phải hướng dẫn và cập nhật cho những chuyên viên nha khoa kiến thức về nhiễm khuẩn nha chu và những chiến lược xử trí tốt hơn và thường xuyên hơn. Bệnh nhân nên được biết về tầm quan trọng của việc phòng ngừa và phát huy sức khỏe răng miệng tốt cần thiết cho sức khỏe toàn thân. Nên khuyến khích bệnh nhân chăm sóc răng thường xuyên và thực hiện những phương pháp vệ sinh răng miệng tốt như chải răng hằng ngày, dùng chỉ nha khoa và sử dụng những biện pháp hổ trợ khác làm sạch kẽ răng. Cuối cùng, nên có sự hợp tác qua lại giữa các bác sĩ và nha sĩ để mang lại cho bệnh nhân sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân tốt hơn.

 Kết luận

Bệnh nha chu là một tình trạng nhiễm khuẩn phổ biến với những hậu quả tiềm tàng trên sức khỏe toàn thân. Ngày càng có nhiều chứng cứ ủng hộ mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng kém và một số bệnh toàn thân như bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường. Những quá trình nhiễm khuẩn và viêm là những cơ chế sinh bệnh học chung liên quan dến những tình trạng này.

Duy trì việc chăm sóc răng miệng thích hợp là điều thiết yếu để phòng ngừa nhiễm trùng nha chu và điều này cũng có thể có lợi cho sức khỏe toàn thân.

10 lời khuyên lâm sàng dành cho bệnh nhân

1. Sức khỏe răng miệng là một phần của sức khỏe toàn thân.

2. Hãy tự nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của những vấn đề về nướu:

- Chảy máu nướu

- Sưng nướu

- Hơi thở hôi

- Trụt nướu / nhạy cảm răng

- Răng lung lay

3. Hãy báo với nha sĩ nếu bạn:

- Mắc bệnh tiểu đường

- Mắc bệnh tim hay những bệnh trạng khác hay đang dùng thuốc dài hạn

- Có tiền sử bệnh gia đình

- Hút thuốc

4. Hãy yêu cầu được kiểm tra nướu ( khám nha chu) như là một phần quan trọng của việc khám răng định kỳ ( hàng năm ít nhất 2 lần).

5. Hãy ý thức là bệnh về nướu là một biến chứng quan trọng của bệnh tiểu đường và bệnh nha chu không được kiểm soát có thể làm tình trạng bệnh tiểu đường của bạn tồi tệ hơn.

6. Hãy thực hiện những phương pháp vệ sinh răng miệng hiệu quả:

- Chải răng đúng cách 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng thích hợp

- Dùng chỉ nha khoa cho vùng kẽ răng mỗi ngày một lần

- Thay bàn chải 3 tháng / lần

- Chải lưỡi

- Dùng dung dịch súc miệng theo chỉ dẫn của nha sĩ

7. Bỏ hút thuốc lá, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên để có sức khỏe toàn thân và sức khỏe răng miệng tốt.

8. Bệnh nha chu nên được kiểm soát trước khi điều trị những vấn đề nha khoa khác như điều trị chỉnh hình, làm hàm giả, mão răngcầu răng, cấy ghép răng .v. v…

9. Khám bác sĩ và nha sĩ định kỳ, tuân theo sự chăm sóc duy trì dài hạn ( mỗi 6 tháng, hay 3 tháng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường) như đã được khuyên.

10. Bệnh nha chu có thể được kiểm soát tốt hơn nhờ vào sự hợp tác chủ động của bạn và sự chăm sóc y /nha khoa chuyên nghiệp.

Hỗ trợ trực tuyến
Nha khoa hương giang
Nha khoa hương giang
0903.992.412
Thời tiết hiện tại
Nguồn KTTV T.W
Thống kê truy cập